Bạn thường nghĩ sắt là một nguyên tố rất có ích cho con người, tôi thường thấy các bà mẹ luôn nghĩ đến sắt đầu tiên khi đi mua thực phẩm cho trẻ. Tuy nhiên, không chỉ là các yếu tố vi lượng mà mọi chất dinh dưỡng đều có một liều lượng nhất định, và sắt cũng không phải là ngoại lệ. Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy những thông tin cơ bản nhất về con đường hấp thụ, các biểu hiện của việc ngộ độc sắt cũng như phương pháp điều trị.
Những điều cơ bản về sắt đối với cơ thể
Sắt được hấp thụ bởi các tế bào niêm mạc ruột chủ yếu dưới dạng các ion Sắt (II). Các dịch tiết của ruột và dạ dày có khả năng khử các ion Sắt (III) (dạng bất ổn) thành dạng Sắt (II) (dạng ổn định hơn). Các ion Sắt (II) phản ứng với Hydrogen Peroxide (H2O2) để tạo thành OH:
Fe (II) + H2O2 --> OH. + OH- + Fe (III)
Trong điều kiện bình thường, các gốc tự do (mà ở đây là OH.) được kiểm soát rất chặt chẽ, nếu có quá nhiều, chúng sẽ bị trung hòa bởi các chất chống oxy hóa, nhưng nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng “dư thừa” sắt, các gốc tự do được tạo ra với tốc độ chóng mặt và nhanh chóng vượt qua khả năng trung hòa của cơ thể.
Nồng độ sắt tối thiểu để gây độc đối với cơ thể thường không ổn định và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, ví dụ như nồng độ của Đồng, Phospho hay Vitamin E trong cơ thể. Một số yếu tố khác còn góp phần làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể như các amino acid Valine, Histidine, các vitamin như Vitamin C (Ascorbic Acid), và một số chất khác như Succinate, Pyruvic Acid, Citric Acid. Ferritin là một trong các protein có khả năng tích lũy và cố định sắt. Khi chúng ta hấp thụ một lượng lớn sắt, cơ thể sẽ phát ra một loạt tín hiệu làm tăng cường tổng hợp Ferritin, đặc biệt là ở tim và gan. Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể tổng hợp ra duy nhất một loại protein để tích trữ sắt, do đó, khi có quá nhiều sắt được hấp thụ, đồng nghĩa với việc tim và gan đang phải làm việc quá tải và rất dễ bị thương tổn. Dấu hiệu của việc “quá tải” sắt là sự gia tăng bất thường lượng protein Ferritin (protein cố định sắt), Haemosiderin (một loại protein khác có khả năng tích trữ sắt) và lượng sắt xúc tác cho quá trình Peroxide hóa lipid.
Ngoài ra, có rất nhiều lý do khiến mỗi người đều có một ngưỡng hấp thụ sắt khác riêng. Đầu tiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu về sắt như nhau. Bên cạnh đó, nếu uống rượu trong khi ăn có thể làm cho việc hấp thụ sắt trở nên dễ dàng hơn. Những người bị xơ gan (cirrhosis) do uống nhiều bia rượu sẽ mất đi khả năng kiểm soát lượng sắt hấp thụ. Ngoài ra, việc uống nước hoa quả khi ăn thịt có thể làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Các bệnh liên quan đến ngộ độc sắt
Ngộ độc sắt không phải lúc nào cũng do chúng ta hấp thụ quá nhiều sắt qua con đường ăn uống, nhiều bệnh có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ sắt của cơ thể và dẫn đến ngộ độc. Đối với các ca ngộ độc sắt cấp tính, bệnh nhân có thể xuất hiện các thương tổn trên ống tiêu hóa và gan, dẫn đến sự gia tăng nồng độ sắt cục bộ và tăng cường sản sinh các gốc tự do. Do đó, các bác sĩ cần ngay lập tức loại bỏ sắt hoặc làm giảm nhanh lượng sắt trong ruột để tránh các thương tổn mô.
Bệnh thừa sắt hay bệnh quá tải sắt (Hemochromatosis) là một trong các bệnh có liên quan đến lượng sắt trong cơ thể, trong trường hợp này, ruột mất khả năng điều hòa lượng sắt không cần thiết, cùng với đó, sắt lại bị tích trữ quá nhiều ở gan dẫn đến sự nhiễm sắt (Siderosis- hiện tượng các mô tích trữ quá nhiều sắt) và gây thương tổn đến các cơ quan. Một người bình thường có thể hấp thụ 1 mg sắt/ngày, nhưng với các bệnh nhân mắc bệnh thừa sắt, họ có thể hấp thụ tới 3 mg/ngày. Trái với suy nghĩ của nhiều người, đây là một bệnh khá phổ biến, cứ 15 người sẽ có một người mắc bệnh thừa sắt. Bệnh được chia thành hai nhóm, nhóm bệnh thừa sắt do di truyền (Hereditary Hemochromatosis), nhóm còn lại là nhóm thừa sắt mắc phải (Acquired Hemochromatosis).
Bệnh thừa sắt do di truyền là một bệnh bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra, ruột đã mất khả năng điều hòa lượng sắt hấp thụ, lượng sắt “thừa” này sẽ không được bài tiết ra ngoài hay xử lý bằng một cơ chế phù hợp mà sẽ được tích trữ lại ở gan và tim. Bệnh nhân có khả năng hấp thụ tới 3 mg sắt trong một ngày, và trong 40-50 năm, 20-40 g sắt sẽ được tích trong cơ thể, đặc biệt là ở gan và tim. Việc phát hiện sớm bệnh này ở trẻ chủ yếu vẫn dựa trên thí nghiệm đo lượng Ferritin trong huyết thanh và trong mẫu sinh thiết gan. Bệnh thừa sắt mắc phải lại là một bệnh cơ hội và thường đi kèm với các bệnh như thiếu hồng cầu, các bệnh về gan và các bệnh liên quan đến hấp thụ sắt.
Các dấu hiệu và điều trị ngộ độc sắt
Có rất nhiều triệu chứng do ngộ độc sắt gây ra bao gồm chán ăn, thiểu niệu, tiêu chảy, người lạnh, nhiễm acid chuyển hóa và cuối cùng là chết. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, bệnh nhân còn bị xung huyết ống tiêu hóa, gan, thận, tin, não, lá lách, ức. Như một hậu quả của việc tích trữ quá nhiều sắt, bệnh nhân dễ có khả năng mắc xơ gan hoặc ung thư gan.
Để điều trị ngộ độc do hấp thụ quá nhiều sắt, các bác sĩ cần nhanh chóng lọc máu cho bệnh nhân, đây vẫn được coi là phương pháp nhanh, an toàn và hiệu quả nhất để làm giảm các triệu chứng cũng như điều trị các ca nhiễm độc sắt. Ngoài ra, Deferoxamine cũng là một loại thuốc điều trị ngộ độc sắt tốt và ít nguy hiểm. Để phòng tránh ngộ độc sắt, mỗi người trong chúng ta cần có cái nhiều đúng về sắt, đây không phải là một chất có thể hấp thu bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng tốt, các bà nội trợ và đặc biệt các bà mẹ nên cân đối các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, đối với những bệnh nhân đã mắc các bệnh liên quan đến gan và tim, nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, hay uống các loại vitamin bổ sung thêm sắt.
Phạm Ngọc Sơn
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
2 nhận xét
điều trị ngộ độc sắt rất nguy hiểm, các bác sĩ cần nhanh chóng lọc máu cho bệnh nhân để làm giảm các triệu chứng cũng như điều trị các ca nhiễm độc sắt http://benhvienphuclam.com/2017/09/12/dieu-tri-ngo-doc-thuc-pham-tai-benh-vien-phuc-lam-hung-yen/
ngộ độc hiện nay chủ yếu là do ăn phải thức ăn không tốt cho cơ thể . nên cần có quá trình điều trị ngộ độc thực phẩm nhanh chóng
EmoticonEmoticon