Hiện nay, trên báo đài, chúng ta thường xuyên nghe về những vụ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ngầm, nước giếng khoan,... bị nhiễm chì, hay một số thông tin liên quan đến ngộ độc chì. Tuy nhiên, liệu bạn có thực sự hiểu chì là gì, những tác động của nó tới con người và tại sao các nước đều có ngưỡng tiêu chuẩn về hàm lượng chì có trong nguồn nước, nguồn không khí và thực phẩm. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về chì và những tác động của chúng tới cuộc sống của con người.
Đầu tiên, chì là gì?
Chì là một nguyên tố kim loại tự nhiên và có thể được tìm thấy trong lớp vỏ Trái Đất. Bên cạnh những lợi ích mà kim loại này đem lại trong sản xuất công nghiệp và trong cuộc sống, chì cũng là một chất độc cực kỳ nguy hiểm đối với con người và động vật, thậm chí có thể dẫn đế tử vong.
Chì có thể tìm thấy ở đâu?
Chì có thể được tìm thấy ở mọi nơi quanh chúng ta, với một lượng rất nhỏ, chẳng hạn như trong không khí, đất, nước và thậm chí là ngay trong ngôi nhà của bạn. Đa số mọi người đều không ngờ rằng chúng ta có thể bị phơi nhiễm chì ngay từ những thứ rất thường ngày, ví dụ như, chì đã từng được sử dụng làm đường ống dẫn khí đốt trong gia đình, trong một số thiết bị lạnh công nghiệp. Chì và các hợp chất của chì được sử dụng một cách rất rộng rãi trong rất nhiều các sản phẩm gia dụng, bao gồm sơn, gốm, đường ống, đồ hàn chì, đường ống dẫn khí, pin, đạn dược và mỹ phẩm.
Sau khi được sử dụng, chì có thể được thải ra môi trường dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng có thể được xả thẳng ra môi trường như một chất thải công nghiệp hay có thể được đựng trong các vật chứa chẳng hạn như trong pin hoặc ắc-qui. Bản thân chì cũng có mặt trong đất với tỷ lệ 50-400 phần triệu, tuy nhiên, các hoạt động của con người như khai mỏ, sản xuất công nghiệp hay trong chính rác thải sinh hoạt của chúng ta đã làm cho nồng độ chì trong đất cao bất thường và vượt ngưỡng cho phép ở nhiều khu vực.
Bên cạnh các nguồn rác thải rắn, chì cũng có thể được xả vào không khí thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông hay là con đường xả khí thải công nghiệp. Bằng con đường không khí, chì sẽ được lưu chuyển đi xa hơn, trước khi được tích lại trong đất và bám vào các hạt. Bên cạnh đó, tùy thuộc và loại hợp chất, chì có thể bị nước rửa trôi khỏi nền đất một cách khá dễ dàng.
Do đặc tính dễ dàng lưu chuyển qua các môi trường, khí, đất và nước, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về ngưỡng hàm lượng chì cho phép trong không khí, nước uống, đất, các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm. Từ đó có những biện pháp giúp làm giảm lượng chì xả thải ra môi trường.
Nguy hiểm tiềm ẩn
Đối với trẻ nhỏ
Chì là một chất độc cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em. Do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển nên trẻ có khả năng hấp thụ chì nhanh hơn nhiều so với người trưởng thành, chưa kể đến não và hệ thần kinh còn non yếu có thể bị chì tác động một cách mạnh mẽ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng phơi nhiễm chì cao do trong quá trình vui chơi, trẻ có thể cho đất, cát hoặc các vật dụng chứa chì vào miệng một cách vô thức. Ngoài ra, thức ăn cũng là một trong các nguyên nhân gây ngộ độc chì ở trẻ, do trẻ đã ăn phải thức ăn hoặc nước uống tại những vùng bị nhiễm chì hoặc đồ ăn được rửa bằng nước có hàm lượng chì cao.
Người trưởng thành và phụ nữ mang thai
Người trưởng thành có thể bị phơi nhiễm chì thông qua con đường ăn uống, có thể, chúng ta trực tiếp ăn phải các loại thức ăn hay uống nước tại nguồn nước bị nhiễm chì hoặc đơn giản như trong không khí chúng ta hít thở có chứa nhiều khói bụi hoặc hơi chì ví dụ như trong nhà mới sơn hoặc trong khu công nghiệp sản xuất có sử dụng chì.
Chì ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe con người?
Chì có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể. Trẻ em dưới sáu tuổi là đối tượng dễ bị chì tác động nhất.
Đối với trẻ nhỏ
Thậm chí chỉ một lượng chì rất nhỏ cũng có thể đẫn đến các hậu quả sau:
- Suy giảm khả năng học tập
- Giảm khả năng phát triển trí tuệ và có thể phát triển tính hiếu động thái quá (Hyperactivity)
- Chậm lớn
- Dễ mắc các bệnh về thính lực
- Thiếu máu
- Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị hôn mê lâu dài và dẫn tới tử vong
Phụ nữ mang thai
Chì có thể tích tụ lại trong cơ thể trong một thời gian dài, chúng được tích trữ tại xương cùng với can-xi. Trong thai kỳ, can-xi từ xương của người mẹ có thể được sử dụng để hình thành khung xương ban đầu ở trẻ nhỏ trong điều kiện người mẹ ăn uống không đủ chất. Tuy nhiên, do chì cũng được tích lũy trong xương nên chúng cũng được giải phóng và đi vào thai nhi trong quá trình này và dẫn tới các vấn đề như thai chậm phát triển và có thể dẫn tới sinh non.
Ngoài ra, chì còn có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tuần hoàn, làm tăng huyết áp, giảm hoạt động chức năng của thận và các vấn đề về sinh sản ở cả nam và nữ.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc chì
Ngôi nhà là nơi có khả năng phơi nhiễm chì cao, do đó, chúng ta cần thường xuyên lau dọn nhà cửa, không sử dụng các nguồn nước nhiễm chì cũng như xây nhà tránh xa các nguồn phát thải chì như khu công nghiệp, mỏ kim loại.Nếu bạn vừa sơn lại nhà, hãy thực hiện các biện pháp làm sơn nhanh khô và tạo điều kiện thoáng khí trong nhà, tránh để hơi sơn tích tụ. Chỉ sử dụng nguồn nước sạch và đã qua kiểm định để ăn uống.
Đối với trẻ nhỏ, cần ngăn không cho trẻ đưa đồ chơi, các vật thể lạ hay đất cát vào miệng. Sau khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần rửa tay và thay quần áo mới cho trẻ. Chọn thức ăn cho trẻ một cách thận trọng, khác với người trưởng thành, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi rất nhạy cảm với chì và có thể dễ dàng bị ảnh hưởng nếu không được phòng ngừa kỹ lưỡng.
Phạm Ngọc Sơn
Điểm 4.1/5 dựa vào 21 đánh giá
EmoticonEmoticon